Tiểu sử Phan Bội Châu

TÓM TẮT TIỂU SỬ PHAN BỘI CHÂU

pbchau

DANH NHÂN- CHÍ SĨ

PHAN BỘI CHÂU

(1867 – 1940)

 

         I. Thân thế

         Thuở thiếu thời, Phan Bội Châu có tên là Phan Văn San, do trùng tên thụy của vua Duy Tân (Vĩnh San) nên đổi thành Bội Châu. Cụ Phan sinh ngày 26.12.1867 tại làng Đan Nhiễm, về sau là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc còn đi học cụ lấy tên hiệu là Hải Thụ, về sau đổi thành Sào Nam. Vì thế người đời thường gọi tên cụ một cách kính trọng là Phan Sào Nam.

         Phan Bội Châu xuất thân trong một gia đình Nho giáo nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Thân sinh của cụ là Phan Văn Phổ, suốt đời làm nghề dạy học; mẹ là Nguyễn Thị Nhàn dòng dõi thế gia, tính tình đoan hậu. Lớn lên cụ Phan kế thừa nề nếp gia phong, sớm bộc lộ tố chất thông minh cùng tinh thần yêu nước, yêu dân tộc.

         Khi mới 6 tuổi, Phan Bội Châu đã học thuộc sách “Tam tự kinh” trong khoảng ba ngày; lên 7 tuổi đã đọc và hiểu được cả sách “Luận ngữ”; năm 13 tuổi đã tham gia ứng thí và đỗ đầu trường huyện. Lúc cụ Phan vừa tròn 17 tuổi, nghe tin “Bắc kỳ khởi nghĩa” chống giặc Pháp, cụ đã nhiệt thành hưởng ứng và học theo Hưng Đạo Đại Vương để viết bài hịch “Bình Tây thu Bắc”. Khi cụ vừa sang tuổi 19- cũng là lúc kinh thành Huế thất thủ vào tay Pháp (1885), họ Phan đã cùng bạn học ở quê nhà là Trần Văn Lương, đứng ra lập “Đội nghĩa quân Cần Vương” chống Pháp, nhưng sự việc không thành…

       Khoa thi Hương năm Canh Tý (1900), Phan Bội Châu dự thi và đỗ Giải nguyên tại trường thi Nghệ An. Sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương, cụ Phan tạm xếp bút nghiên để dấn thân cho sự nghiệp lớn. Cụ bôn ba khắp nơi - vào Nam ra Bắc, sang Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan…để tìm đường cứu dân, cứu nước.

         II. Sự nghiệp

       Cũng tương tự như người “đồng hương” Nguyễn Ái Quốc sau này, Phan Bội Châu thành danh với hai sự nghiệp lớn: Sự nghiệp cách mạng cứu nước và sự nghiệp sáng tác văn, thơ. Cụ Phan cũng dùng thơ, văn như một vũ khí sắc bén để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của mình.

       1. Sự nghiệp cứu nước, cứu dân

         - Từ 1901 - 1903: Sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương, cụ Phan bước đầu có tiếng tăm trong giới văn thân - Nho sĩ. Cụ tận dụng cơ hội này để đi tìm và kết giao với tầng lớp “tinh hoa” ở xứ Thanh - Nghệ và miền Trung, với mưu cầu xây dựng phong trào cứu nước. Đầu năm 1903, Phan Bội Châu lấy cớ xin vào học trường Quốc Tử Giám (Huế) để có dịp tiếp xúc với giới Nho học cấp tiến ở Kinh đô và tìm đọc “Tân thư” của Tôn Dật Tiên, Gandhi, Rousseau…

         - Từ 1904 - 1909: Tại Huế, cụ Phan đã tìm được những người bạn “đồng cừu” như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp ... Do đó, đầu xuân 1904 Phan Bội Châu vào Quảng Nam và “kết giao đồng chí” với nhiều danh sĩ xứ Quảng, như : Tiểu La Nguyễn Thành (tức Nguyễn Hàm), Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Phó bảng Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp…Lúc này ở Quảng Nam, Phan Châu Trinh đang phát động mạnh mẽ phong trào Duy Tân để “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh’ . Tại gia trang của Tiểu La Nguyễn Thành (Thăng Bình) , Phan Bội Châu cùng ông chủ gia trang đứng ra thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên, gọi là “Duy Tân hội”. Đây là “hội” ủng hộ phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và tập hợp những trí thức yêu nước, chuẩn bị lực lượng chống Pháp. Trong thời gian rất ngắn, Hội đã chiêu mộ được 20 nhân sĩ khắp từ Bắc vào Nam cùng tham gia và mời Kỳ ngoại hầu Cường Để (thuộc dòng tộc nhà Nguyễn) làm “Hội chủ”.

       Năm 1905, cụ Phan cùng Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ thực hiện chuyến công du sang Trung Hoa, Nhật Bản để cổ súy và phát triển “Duy Tân hội”. Từ Hương Cảng sang Nhật, cụ Phan gặp Lương Khải Siêu - nhà cách mạng Trung Hoa, và nhận được sự giúp đỡ tận tình của họ Lương. Trong cuộc gặp gỡ này, Lương Khải Siêu đã “hiến kế”, khuyên Phan Bội Châu nên về nước và dùng thơ văn để thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào mình. Chính vì thế, Phan Bội Châu viết “Việt Nam vong quốc sử”…

         Tháng 8. 1905, Phan Bội Châu cùng hai “đồng chí” của Hội về nước. Tại Hà Tĩnh, cụ Phan cùng Nguyễn Hàm, Đặng Tử Kính bàn kế hoạch và thay đổi Duy Tân hội thành Phong trào Đông Du. Nhờ sự hỗ trợ tài chính của Tiểu La Nguyễn Thành, tổ chức quyết định đưa Cường Để và ba thanh niên ưu tú đầu tiên sang Nhật học về chính sách Canh tân của họ. Tháng 10.1905, cụ Phan thân chinh đưa 45 thanh niên sang Nhật du học. Đến đầu năm 1906, phong trào Đông Du trong nước tiếp tục vận động và đưa thêm 200 du học sinh sang Nhật. Tại Nhật, cụ Phan vận động chính quyền bản xứ để đưa Kỳ ngoại hầu Cường Để và tất cả du học sinh Việt Nam, được vào học tại trường Chấn Văn…

         Giữa lúc phong trào Đông Du đang phát triển mạnh mẽ trong nước thì cuộc “Kháng sưu, cự thuế’ ở Trung Kỳ diễn ra (tháng 3.1908). Ban đầu cuộc biểu tình của nhân dân bùng phát ở Quảng Nam, sau đó lan rộng ra cả Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Các lãnh tụ của phong trào Duy Tân như Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Nguyễn Thành… đều bị thực dân Pháp bắt giam. Cùng trong thời gian đó, chính quyền Pháp ký Hiệp ước liên minh với Nhật. Vì thế tháng 9.1909, Phan Bội Châu và Cường Để bị Nhật trục xuất về nước. Từ đó, phong trào Đông Du trong nước cũng tan rã.

       - Từ 1910 – 1925: Cụ Phan về nước trong thời điểm chính quyền thực dân đang truy lùng ráo riết những người yêu nước, cách mạng. Nhận thức rõ tình hình bất ổn, Phan Bội Châu tìm cách bắt liên lạc với Nguyễn Thượng Hiền đang ở Quảng Đông để đưa một số thành viên cốt cán trong nước và Nhật Bản sang Trung Hoa…

         Đến tháng 6.1912, khi các đại biểu của “ba Kỳ” tập hợp đông đủ ở Quảng Đông, cụ Phan tổ chức cuộc Hội nghị toàn quốc. Hội nghị diễn ra tại nhà từ đường của Lưu Vĩnh Phúc (Quảng Đông), cụ Phan tuyên bố giải tán “Duy Tân hội” để thành lập tổ chức cách mạng mới, có tên là Việt Nam Quang Phục hội”. Hội mới này chủ trương thay đổi tôn chỉ, từ Chủ nghĩa Quân chủ sang “Dân chủ lập hiến” và công bố thành lập nước “Cộng hòa Dân quốc Kiến lập Việt Nam” ở nước ngoài. Nhưng “Nhà nước” mới lập còn non trẻ, chưa có ảnh hưởng lớn về trong nước thì một biến cố chính trị ở Quảng Đông diễn ra. Đầu năm 1913, Thực dân Pháp cử người sang Quảng Đông “mặc cả” với Tổng đốc mới Long Thế Quang để bắt Phan Bội Châu giải về Việt Nam. Nhờ sự can thiệp kịp thời của Nguyễn Thượng Hiền, cụ Phan không bị trao trả về nước mà bị cầm tù ở Quảng Đông, suốt 4 năm. Ra tù (tháng 2.1917), Phan Bội Châu tiếp tục hoạt động, kết nối “dư đảng” còn được tự do ở Trung Hoa. Năm 1922, cụ Phan dự định phỏng theo chủ thuyết của Tôn Trung Sơn để cải tổ “Việt Nam Quang Phục hội” thành “Việt Nam Quốc Dân đảng”. Nhưng sự việc chưa thành thì một lần nữa, cụ Phan bị “bắt cóc” và bí mật đưa về nước để chính quyền thực dân đưa cụ ra tòa Đề hình “luận tội” (ngày 30.6.1925).

       - Từ 1925 – 1940: Trong tác phẩm cuối đời “Phan Bội Châu niên biểu”, cụ Phan tự nhận đây là “Thời kỳ ông già Bến Ngự”. Tại phiên tòa của Hội đồng Đề hình Pháp (tháng 5.1925), cụ Phan bị kết tội “khổ sai chung thân”. Nhưng nhân dân cả nước biết tin, nổi dậy biểu tình khắp nơi gây áp lực với chính quyền bảo hộ. Nhờ đó, thực dân Pháp phải ra lệnh “ân xá” cho Phan Bội Châu và buộc đưa về “an trí” ở gần Bến Ngự (Huế). Thực chất, đây là mưu đồ giam lỏng của chính quyền Pháp với cụ cho đến cuối đời.

         Thời kỳ này, do sự quản thúc chặt chẽ của bọn mật thám Pháp, cụ Phan không còn cơ hội để hoạt động cách mạng. Tuy vậy, người chí sĩ ấy vẫn không ngừng rèn giũa ý chí chiến đấu và kỳ vọng vào tương lai với thế hệ trẻ. Vì vậy, cụ Phan thể hiện chí nguyện của mình bằng cách xin được mở lớp dạy học cho ‘bọn trẻ’ và tích cực sáng tác thơ, văn để thức tỉnh đồng bào mình.

        Phan Bội Châu qua đời vào ngày 28.10.1940 tại Huế.

       2. Sự nghiệp sáng tác của Phan Bội Châu

      Như trên đã trình bày, tất cả sáng tác của cụ Phan đều không nằm ngoài mục đích là phục vụ công cuộc cứu nước, cứu dân. Tuy định hướng ban đầu của người chí sĩ là “tìm đường, mưu việc lớn”, nhưng ở giai đoạn nào cụ cũng để lại những trước tác nổi trội trên “trường văn, trận bút”.

         Phan Bội Châu làm chính trị bằng sức mạnh của văn chương và sáng tác thành công ở hầu khắp thể loại: Thơ, phú, văn tế, tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, hồi ký.. cho đến Hát nói, câu đối, hát Phường vải, viết báo. Hiện nay đã xuất bản “Tuyển tập thơ văn Phan Bội Châu”, có thể khái lược sáng tác của cụ qua 3 thời kỳ:

       - Thuở ‘thiếu thời’: Viết hịch “Bình Tây thu Bắc” (17 tuổi), văn “Song tuất lục” (20 tuổi).

       - Thời kỳ “đắc ý”: Hầu hết các thể loại thơ, phú, truyện ngắn.. bằng Quốc ngữ và chữ Hán được sáng tác trong thời kỳ này. Cụ tự cho là “đắc ý” vì thấy mình được vẫy vùng chí lớn khắp mọi nơi, nhất là giai đoạn xây dựng phong trào Đông Du.

       - Thời kỳ “Ông già Bến Ngự”: Là những sáng tác bằng Quốc ngữ, gồm nhiều thể loại: Hát nói, Phường vải, tiểu thuyết, văn tế, tiểu luận, niên biểu… Đây là thời kỳ “bất đắc chí” của cụ Phan vì bị giam lỏng ở Huế, nên hầu hết sáng tác đều thể hiện nỗi thất vọng về mình và kỳ vọng vào tương lại của thế hệ trẻ…

       Đánh giá về cuộc đời của danh nhân – chí sỹ Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Phan Bội Châu – Bậc Anh hùng, vị Thiên sứ, đấng Xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”./.


Tin cũ hơn: