Quà của thầy - cô

Vậy là lại thêm một lần xuân lai hoàn phát cựu thời hoa (Xuân về lại nở những bông hoa thời xa xưa - Sầm Tham). Mà, một trong những cái "hoa cũ" ấy, là việc tặng quà tết. Ngoại trừ những người quan quả cô đơn không có ai nhớ đến hoặc là mục đích tặng quà để "mưu đồ" (ví như như tặng quà là dịp... để hối lộ), quà tết "đẹp" ở chỗ tình cảm "nhớ nhau" vào dịp xuân về dành cho nhau giữa người và người. Tập quán ấy đã lưu truyền qua bao đời, trở thành một mỹ tục của dân tộc Việt. Cũng như bao người được cái may mắn nhớ đến vào khoảnh khắc năm tàn, gia đình tôi cũng thường được nhận những món quà tình cảm ấy. Nhưng có một năm nhận được quà mà lòng cứ bồi hồi khắc ghi, đó là món quà của người thầy và cô giáo dạy học thời còn ở trường phổ thông tại Hội An...


images1127663 nen thay co 111
Ảnh minh họa

Năm 1968, thầy giáo dạy môn Sử lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) của chúng tôi là thầy Lưu Trường Phong. Thầy người gốc Nam Bộ, thời ấy đi ra đến một tỉnh miền Trung xa xôi để dạy học, cũng là trường hợp ít có. Ngoài những giờ lên lớp, nhóm bạn dăm bảy đứa chúng tôi thường đến thăm thầy tại nhà thầy trọ. Duyên do là chúng tôi tìm thấy nơi thầy những tư tưởng yêu nước - tiến bộ, phù hợp với những thao thức của một lớp người tuổi tuy còn quá trẻ nhưng đã biết nghĩ suy về "mệnh nước nổi trôi", vào thời điểm đó. Dạy học được đâu khoảng hơn nửa năm, thầy đột ngột bỏ nhiệm sở, vào lại trong Nam. Mãi đến năm 1972, tình cờ tôi gặp lại thầy tại chiến khu Nam Bộ. Sau đó thì mất tăm. Chiến tranh mà! Sau năm 1975, nghe nói thầy công tác ở một cơ quan tại quận 5 (TP.Hồ Chí Minh). Rồi mãi đến năm 1988, một hôm thầy tìm thăm tôi, lúc tôi đang tạm trú tại nhà Nam Đồng, một người bạn thân. Xiết bao bồi hồi trong cái lần thầy đi tìm thăm trò ấy. Từ đó về sau, tôi thường được gặp thầy. Và cái tình thầy-trò dần biến thành tình anh - em ruột thịt. Sau khi nghỉ hưu ở tòa soạn báo, thầy ra Hóc Môn lập vườn, để có một nơi yên tĩnh và tạo dựng mảnh vườn yêu thích. Không có mục đích "kinh tế", thầy đã bỏ công sức đem về nhiều loại cây trồng đặc trưng của Nam Bộ, chỉ để được sống trong không gian của vùng đất phóng khoáng như chính con người thầy. Khoảng đâu trước ngày ông Táo về trời của cái tết năm ấy, tôi nhận được quà tết của thầy, do con trai thầy đem đến (phải mất khá nhiều công sức hỏi thăm mới tìm ra con hẻm nhà tôi ở). Quà là một trong ba quả bưởi duy nhất của cây bưởi đầu tiên cho trái tại vườn của thầy. Ngoài quả đặt lên bàn thờ, thầy tặng hai quả, một cho người bạn thân, một cho đứa học trò nghèo lận đận là tôi...

Nhiều năm về sau này, tôi đi nhiều nơi, ít ở thành phố nên hiếm khi gặp được thầy. Khi thầy qua đời, tôi ở xa. Chỉ biết lặng lẽ thắp một cây nhang. Không phân ưu, không gọi điện thoại chia buồn với chị Năm - vợ thầy. Đó cũng là cái "cách" chọn lựa của riêng mình, mỗi khi nghe tin có người thân thiết ra đi...

Món quà thứ hai là của cô giáo Ngô Thị Ấn, dạy môn Văn, năm tôi học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) tại trường Trần Quý Cáp (Hội An). Trong quyển học bạ mà tôi còn giữ được đến bây giờ, kết quả của học kỳ I có dòng chữ phê của cô: "Học giỏi nhưng tính xấc". Học kỳ II, cũng vậy. (Sau này khi ra đời và đã trải qua nhiều bầm giập, tôi thực lòng biết ơn nhận xét của cô giáo mình. Nó như một lời răn, một cảnh báo mà tôi đã không có đủ sự sáng trí để nhận ra đặng "làm gương" cho chính mình). Nghiêm khắc chê trách tính xấu của học trò, nhưng cô không hề "tiểu tâm" đối với tôi. Trong đời đi học, năm được học với cô, tôi rất "đắc ý". Hai lần, bài văn của tôi được cô chấm 15 điểm (điểm Văn cao nhất theo cách chấm thời ấy), chọn làm bài mẫu cho các bạn trong lớp chép vào tập vở.

Cũng dịp tết, tôi nhận được quà của cô. Là một gói trà. Giao thừa, tôi pha trà cúng đón năm mới. Và uống. Trà đã nguội mà thơm sâu xa. Thơm nghẹn ngào...

Bây giờ, cô giáo của tôi đã ở xa lắm, đến nửa vòng trái đất. Tôi cũng không được tin gì về cô nữa...

Nói chuyện quà tết, rồi kể lại hai kỷ niệm ấy, là để làm gì? Năm nay, tôi cũng sắp đến cái ngưỡng tuổi "Thất thập nhi tòng sở dục bất du củ" (Bảy mươi tuổi thì sống theo sở thích bản thân nhưng không vượt ngoài lễ giáo - Luận ngữ). Và cũng đã "xong" hết mọi việc trên cái cõi trần lụy này; đã chuẩn bị cho việc lặng lẽ ra đi rồi, nên cũng "tự biết mình" một chút để mà rời xa những tiếng ồn ào khoa trương. Ôn lại chuyện cũ, chẳng qua là để... tưởng nhớ: Việc cần làm vào những khoảnh khắc chấm dứt - bắt đầu của một cột mốc thời gian.

Và, có thể đó là việc để nhắc nhớ về một thời "tôn sư" đã để lại những dấu ghi không mờ trong lòng người, cả thầy-cô và những-học-trò.

Xa hơn nữa, có thể đó là sự tiếp truyền của Hy Vọng. Như sự trao gửi của thế hệ đi trước đối với lớp người kế tục...

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT (Baoquangnam.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: