Chọn nghề cho tương lai
Thứ sáu, 08 Tháng 5 2015 17:21
Ngành học nào dễ có việc làm khi tốt nghiệp? Điểm chuẩn các trường bao nhiêu? Điều kiện xét tuyển thế nào?... Những câu hỏi thắc mắc đó của các bạn học sinh THPT đã được giải đáp tại Chương trình tư vấn mùa thi 2015, do Báo Thanh niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại huyện Điện Bàn cuối tuần vừa qua.
Dù chỉ diễn ra một buổi nhưng Chương trình tư vấn mùa thi 2015 đã thu hút sự quan tâm của hơn 1.000 học sinh THPT đến từ các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và TP.Hội An. Tại buổi tư vấn, các học sinh đã được đại diện lãnh đạo, chuyên gia giáo dục đến từ 30 trường đại học, cao đẳng trong nước như Đại học Hồng Bàng (TP.Hồ Chí Minh), Y khoa Huế, Tài chính - Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Quảng Nam... giải đáp những thắc mắc về ngành học, nhu cầu thực tế của xã hội, khả năng có việc làm sau khi ra trường cũng như hướng nghiệp, tư vấn trực tiếp cho từng học sinh dựa trên sở thích và khả năng học lực...
Ngành nào dễ có việc làm?
Bạn Nguyễn Thị Hoa (Hội An) đặt câu hỏi: "Tôi muốn theo học ngành ngân hàng, nhưng lại nghe thông tin nhà nước sẽ tái cơ cấu ngành này, cơ hội việc làm sẽ khó khăn hơn. Vậy tôi có nên theo học ngành ngân hàng nữa hay không?". Trả lời thắc mắc trên, đại diện Trường Đại học Tài chính Marketing cho biết: "Đúng là sắp tới sẽ thực hiện việc tái cơ cấu ngành ngân hàng, sáp nhập hoặc giải thể một số ngân hàng hoạt động kém hiệu quả. Nhưng các em cần phải có tầm nhìn xa trông rộng, vì sau 4 - 5 năm nữa các em mới ra trường, lúc đó cơ hội việc làm là không hề thiếu. Nên việc làm không phải là vấn đề cần quan tâm lúc này mà nên xem năng lực của mình có đáp ứng được hay không".
Cũng như nhiều bạn khác, Lê Thị Phương Thảo - học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) bày tỏ lo lắng: "Tôi rất thích ngành luật, nhưng sợ không biết ra trường có việc làm hay không?". Trả lời băn khoăn của Thảo, đại diện Trường Đại học Huế thông tin, hiện tại Đại học Huế đã có trường Đại học Luật trực thuộc đang đào tạo 2 nhóm ngành Luật học và Luật kinh tế với điểm chuẩn xét chọn năm 2014 là 17, 18 và 19; dự kiến năm nay sẽ chọn 800 chỉ tiêu. "Học luật không có nghĩa là cứ phải làm luật sư mà còn có thể đi làm kinh tế. Vì vậy cơ hội việc làm của ngành luật là rất lớn, các em có thể xin việc ở các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty, doanh nghiệp..." - đại diện của Đại học Huế chia sẻ.
Ghi nhận tại buổi tư vấn, có thể nhận thấy nhóm ngành kinh tế được học sinh quan tâm lớn nhất. Ngoài ra, không ít câu hỏi về quy chế thi, cấu trúc đề thi, điều kiện dự thi của khối ngành công an cũng như một số ngành mới như công nghệ sinh học, hạt nhân và tương lai của các nhóm ngành này. Đặc biệt, không ít câu hỏi thú vị đã được các bạn nêu lên tại buổi tư vấn như thích học ngành kinh tế nhưng khả năng ngoại ngữ yếu, hay tại sao tốt nghiệp không chọn môn lịch sử mà chọn ngoại ngữ làm môn bắt buộc... tất cả đều đã được các chuyên gia và nhà chuyên môn giải đáp một cách tận tình và đầy trách nhiệm.
Định hướng tương lai
Theo nhà báo Võ Ba - Trưởng ban Tổ chức chương trình, đây là lần thứ 16 Chương trình tư vấn mùa thi được thực hiện, mục đích không chỉ tư vấn, giải đáp thắc mắc cho học sinh về những quy chế, nét mới trong kỳ thi đại học cao đẳng năm 2015 cũng như nhu cầu xã hội hiện tại và tương lai, mà qua đó còn giúp định hướng các em chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực bản thân. "Qua chương trình tư vấn này, hy vọng các em sẽ có những lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của mình để mang đến thành công sau này" - nhà báo Võ Ba nói. Thực tế, qua khảo sát cho thấy đa số học sinh thường chọn ngành học theo cảm tính và phong trào, chứ chưa có sự hiểu biết cụ thể về ngành học cũng như năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. Bạn Lê Thị Phương Thảo - Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) thừa nhận, chọn ngành luật vì học khá khối C, với lại ngành này ra trường chắc được làm luật sư đứng trước tòa sẽ rất... oai. Tương tự, bạn Nguyễn Hữu Trung - Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu cho hay, chọn ngành công an vì thấy thích làm công an dù sức học bình thường, kể cả vóc dáng cũng chưa phải là chuẩn.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, Chương trình tư vấn mùa thi là rất cần thiết và có ích với học sinh, qua đây các em có đầy đủ thông tin trước khi quyết định thi trường nào để gắn với nghề nghiệp sau này. Ngoài ra, thông qua tư vấn, học sinh sẽ được tiếp cận với các trường đại học, các ngành học mới và những chuyên gia đầu ngành để hiểu hơn vấn đề quan tâm nhằm chọn ngành nghề phù hợp. Đặc biệt, việc truyền hình trực tiếp chương trình tư vấn trên sóng truyền hình cũng là cách làm hay giúp thông tin tư vấn được chuyển tải rộng rãi đến công chúng giúp phụ huynh định hướng con em mình lựa chọn ngành nghề sau này. "Đây là chương trình rất ý nghĩa, tuy nhiên nếu như chương trình khu biệt ra từng nhóm đối tượng học sinh theo từng chuyên ngành như khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ thông tin... để tư vấn thì hiệu quả sẽ cao hơn. Ngoài ra, theo tôi cũng nên thay đổi cách tổ chức tiếp cận học sinh một cách gần gũi hòa đồng hơn để các em tự tin trong trao đổi, tư vấn chứ như cách hiện tại là bên dưới hỏi lên trên trả lời xuống sẽ khiến không ít em rụt rè ngại phát biểu" - ông Quốc chia sẻ.
KHÁNH LINH - LÊ HỒNG(baoquangnam.com.vn)
- 05/08/2023 15:30 - Giao lưu học tập Cảnh sát biển
- 27/11/2022 14:03 - RUNG CHUÔNG VÀNG 2022
- 09/07/2015 09:08 - Đoàn trường THPT Phan Bội Châu: tổ chức tuyên truy…
- 12/10/2014 11:01 - Tuổi trẻ THPT Phan Bội Châu với chiến dịch An toàn…
- 04/09/2014 07:00 - Thư gửi những người trượt đại học
Liên kết web
- Sở, ban, ngành (4)
- Trường học (8)
- Phòng giáo dục (2)
- Website cần biết (8)